TỊNH HIỆN CHÂN CẢNH, ĐẠM HIỆN BẢN NHIÊN
Khi gió yên sóng lặng, có thể thấy được cảnh giới đích thực của cuộc sống; ở nơi thuần phác đạm bạc mới cảm nhận được diện mạo bản chất của tâm tính.
ĐIỂN CỐ XỬ THẾ
Tô Thức, nhà thơ Bắc Tống, người đã làm rất nhiều bài thơ hay, từng bị biếm đi Hoàng Châu do đắc tội với giai cấp quyền quý. Một hôm lúc đang buồn ngủ, ông thấy trăng lên giữa trời, sáng vằng vặc như ban ngày, nên hết buồn ngủ, đến chùa Thừ Thiên tìm bạn là Trương Hoài Dân cùng tản bộ thưởng trăng trong sân. Ánh trăng trong sân như nước, trong nước như có cỏ hạnh mọc đan xen. Thì ra đó là bóng trúc. Trương Hoài Dân cũng bị biếm quan đến Hoàng Châu, nên Tô Thức than: “Sân nào mà không có trăng? Chỗ nào mà không có trúc? Nhưng ít người nhàn như tôi với bác”. Từ đó cảm giác “không quan thân nhẹ” bỗng chốc sinh ra. ở đây, Tô Thức đã giũ bỏ nỗi phiền não bị biếm, bình tĩnh thanh thản, thực sự đã đạt đến mức chí lạc trong đời, hòa quyện với vạn vật nhân gian.