Trang chủ

Thái Căn Đàm

PHÚ NHIỀU LÃNH ĐẠM, THÂN NHIỀU ĐỐ KỴ

PHÚ ĐA VIÊM LƯƠNG, THÂN ĐA ĐỐ KỴ

Tình cảm nhiệt tình hay lãnh đạm, ở những người giàu, sự thay đổi thể hiện rõ nét hơn những người nghèo khổ. Tâm lý đố kỵ ganh ghét giữa những người có cốt nhục với nhau nghiêm trọng hơn so với người bên ngoài. Trước tình hình này, nếu không thể xử lý bằng thái độ im lặng, kiềm chế bản thân bằng tâm thái hòa nhã thì không ít người sẽ rơi vào tình cảnh ngày ngày muộn phiền.

ĐIỂN CỐ XỬ THẾ

Thời Chiến Quốc, nhà du thuyết nổi tiếng Tô Tần lúc đầu sống trong nhà tranh vô cùng nghèo khổ, đã nhiều năm đi du thuyết thất bại rồi lại chán nản bỏ về. Các anh em, chị dâu em vợ, thê thiếp ở nhà đều cười nhạo ông, làm tổn thương lớn đến lòng tự trọng của ông. Ông đóng chặt cửa không ra ngoài, kiên trì dùi mài kinh sách một năm, sau đó lại tiếp tục ra ngoài đi du thuyết ở các nước và kết quả thành công vang dội, được sáu nước ủy nhiệm làm “trưởng hợp tung”, kiêm nhiệm chức tể tướng của sáu nước, chỉ một lúc mà tương lai xán lạn không ngờ. Tô Tần áo gấm về làng đoàn người theo hầu đông nghịt, các anh em, chị dâu em vợ, vợ con của ông đều quỳ mọp xuống đất nghênh đón ông. Tô Tần nói với những người đã cười nhạo ông rằng: “Hà tiền cự nhi hậu cung dã?”. Ý muốn nói là: Tại sao lần trước tôi về thì anh đối với tôi rất ngạo mạn kênh kiệu, còn lần này tôi về thì lại cung kính tôi như vậy? Những người họ hàng này quỳ mọp xuống đất mà trả lời: “Vì ngài ở địa vị cao và còn có tiền”. Hóa ra những người họ hàng của Tô Tần cung kính tiếp đón ông là vì mong được cầu cạnh. Vì ông ở “địa vị cao” thì những người thân thuộc của ông hy vọng có được một chức quan nhỏ, vì ông “nhiều tiền” nên họ mong có được một chút thơm lây, béo bở. Thấy thế ông than ngắn thở dài rằng: “Người giàu có thì những người thân sợ họ, gặp lúc nghèo khổ những người thân lại khinh khi họ, sự nhiệt tình hoặc lãnh đạm của thói đời đã đến nước này!”.

Bình luận