BỆNH VỊ TÚC TU, VÔ BỆNH NGÔ ƯU
Ngựa hoang phi nước đại trên đồng cỏ hoang dã nhờ sự dạy dỗ nuôi dưỡng của con người có thể trở thành con ngựa tốt kéo xe, bị con người đặt vào khuôn rèn giũa huấn luyện cuối cùng trở thành vật có thể dùng được. Người chỉ biết sống buông thả chơi bời lêu lổng, không lo phấn đấu thăng tiến bản thân thì mãi mãi sẽ chẳng có tiền đồ. Vì vậy Bạch Sa tiên sinh có nói: “Người có rất nhiều lỗi lầm sai sót vẫn chưa phải là việc đáng hổ thẹn, nhưng người cả đời vẫn không thấy được lỗi lầm sai sót của mình mới là người khiến người khác phải lo lắng”. Câu danh ngôn này thật chí lý.
ĐIỂN CỐ XỬ THẾ
Danh thần Chu Sở thời Tây Tấn lúc còn trẻ là một người dũng mãnh ngang ngược, là một đại họa ở địa phương, ở sông Nghĩa Hưng có một con thuồng luồng, trên núi lại có một con mãnh hổ, cả ba cùng gây tai họa cho người dân. Dân chúng ở Nghĩa Hưng gọi chúng là ba đại họa, trong đó thì Chu Sở là đại họa lớn nhất. Có người khích Chu Sở giết thuồng luồng và mãnh hổ, Chu Sở lập tức giết chết mãnh hổ rồi sau đó xuống sông chém thuồng luồng. Con thuồng luồng ở dưới nước có lúc thì nổi lên trên có lúc lại lặn chìm xuống dưới sâu, khi nổi lên nó chạy xa đến mấy mươi dặm, Chu Sở bền bỉ giao đấu với thuồng luồng. Qua ba ngày ba đêm, người dân địa phương đều cho rằng Chu Sở đã chết, vội chạy đi báo tin cùng nhau chúc mừng. Kết quả là Chu Sở giết chết con thuồng luồng và chui từ dưới nước lên. Ông nghe nói người trong làng đang ăn mừng vì cho rằng mình đã chết, thì mới hay thực tế mọi người cũng xem ông là một đại họa, thế là ông thành tâm hối cải. Có người nói với ông: “Chỉ sợ không có chí hướng, chỉ cần có chí hướng và quyết tâm thì hà cớ gì phải lo lắng không lưu truyền danh thơm tiếng tốt?”. Chu Sở nghe xong bèn tự mình sửa đổi, cuối cùng đã trở thành danh thần một thời.