Trang chủ

Thái Căn Đàm

THUẬN LỢI KHÔNG ĐỦ ĐỂ VUI MỪNG, NGHỊCH CẢNH KHÔNG ĐỦ ĐỂ LO LẮNG

THUẬN BẤT TÚC HỈ, NGHỊCH BẤT TÚC ƯU

Trong nghịch cảnh, con người thường đặt mình vào trong cách trị bệnh bằng thuốc và châm cứu, lúc nào cũng uốn nắn những sai sót, rèn giũa tính tình của mình; trong hoàn cảnh thuận lợi, trước mắt đầy rẫy những đao thương giáo mác nhưng con người lại không nhìn thấy, dần dần làm hao mòn ý chí và hoàn toàn không có cảm giác.

ĐIỂN CỐ XỬ THẾ

Nhà văn học nổi tiếng đời Thanh - Tào Tuyết Cần, vốn tên là Triêm, biệt hiệu khác là Tuyết Cần. Ông tính tình hào phóng, thích uống rượu, mà còn đa tài đa nghệ, giỏi làm thơ, vẽ tranh. Tào Tuyết Cần xuất thân trong một gia đình quan quyền, thời niên thiếu sống trong cảnh phồn hoa xa xỉ. Sau đó nhà họ Tào đắc tội bị tịch biên gia sản, gia cảnh sa sút, ông rơi vào cảnh khốn cùng. Cuộc sống quẫn bách vẫn không đánh gục được Tào Tuyết Cần mà ngược lại còn khiến ông có cơ hội vui hưởng thú điền viên, gần gũi cảnh sắc thiên nhiên, yên tĩnh. Hàng ngày từ sáng sớm ông đi vào rừng múa kiếm, sau đó quay về nhà trải giấy bút ra trên chiếc bàn cũ kỹ, bắt đầu tập trung tư tưởng sáng tác. Mỗi lần như vậy, biết bao nhiêu nhân vật quen thuộc đã nhất loạt hiện ra trước mắt ông, trong tâm trí ông, thôi thúc ông không ngừng viết. Ông thường kẹp giấy bút ở thắt lưng, bất kể đi đến đâu, chỉ cần nhìn thấy hoặc nghĩ đến những tình tiết có thể viết vào sách là ông lập tức lấy giấy bút ra viết, cứ như thế Tào Tuyết Cần đã hoàn thành bộ tiểu thuyết nổi tiếng, một áng văn chương bất hủ của kho tàng văn học Trung Quốc: “Hồng lâu mộng”.

Bình luận