Trang chủ

Thái Căn Đàm

ĐẠO QUAN TRỌNG TRONG XỬ THẾ LÀ KHÔNG THÂN CẬN CŨNG KHÔNG XA LÁNH

XỬ THẾ YẾU ĐẠO, BẤT TỨC BẤT LY

Trong đối nhân xử thế, nếu đã không cùng một giuộc với những thứ tạp nham ô hợp, ẩn chứa sự dung tục thấp hèn, thì cũng đừng làm ra vẻ thanh cao nổi trội hơn người; làm việc gì cũng không nên khiến người khác nảy sinh ganh ghét, không nên cố ý hùa theo sự vui sướng hân hoan của những kẻ đáng ghét.

ĐIỂN CỐ XỬ THẾ

Khổng Tử đặc biệt rất ghét những người ba phải, ông gọi những người này là những kẻ giả dạng thật thà chất phác để lừa bịp. Khổng Tử nói: “Những kẻ giả dạng thật thà chất phác để lừa bịp là những tên trộm đạo đức”. Ý ông muốn nói: “Những người ba phải là những người phá hoại đạo đức”. Quan điểm này của Khổng Tử ảnh hưởng rất sâu xa, có một số điều thật khó lý giải. Đến thời Chiến Quốc, học trò của Mạnh Tử là Vạn Chương cảm thấy nghi hoặc khó hiểu với quan điểm này, bèn hỏi Mạnh Tử: “Người thế nào gọi là người ba phải?”. Mạnh Tử giải thích một hồi, cuối cùng khái quát lại rằng: “Như các quan đại thần ngoài mặt rất mãn nguyện tươi cười, lúc nào cũng nịnh hót chính là những người ba phải”.

Vạn Chương vẫn không hiểu lại hỏi: “Người mà cả quê hương họ mọi người đều khen ngợi là người tốt, những hành động ông ấy làm đều thể hiện là một người rất tốt, tại sao Khổng Tử nói họ là phá hoại đạo đức?”.

Mạnh Tử trả lời: “Đặc điểm của loại người này là: muốn chỉ trích họ lại không thể tìm ra khuyết điểm lớn để mà chỉ trích; muốn chửi rủa họ lại không thể tìm được điều gì đáng để chửi. Họ chỉ trôi nổi theo thời thế, gặp sao hay vậy, giống như một người trung thành thật thà, hành động cứ như chính trực liêm khiết nhưng thực tế hoàn toàn khác xa với đạo của Nghiêu Thuấn, vì vậy Khổng Tử gọi loại người này là “người phá hoại đạo đức””.

Bình luận