PHÓNG HẠ ĐỒ ĐAO, LẬP ĐỊA THÀNH PHẬT
Khi đang sôi sục, phẫn nộ hay khao khát dục vọng, con người thường không thể khắc chế được mình, tuy họ tự biết làm như vậy là không đúng nhưng vẫn cứ vi phạm. Người hiểu đạo lý này là ai, người hiểu rõ nhưng lại cố ý vi phạm là ai? Nếu lúc này có thể bình tĩnh lại, tìm những mấu chốt tồn tại của vấn đề, điều phạm phải là những sai sót gì, bỗng nhiên sẽ hiểu ra mà thay đổi suy nghĩ, khi đó những điều xấu xa tà ác cũng biến thành hiền từ, nhân hậu.
ĐIỂN CỐ XỬ THẾ
Thời Chiến Quốc, Sở Trang Vương định xuất binh xâm phạm nước Việt. Có một đại thần tên là Đỗ Tử khuyên ngăn: “Nước Việt có điểm nào đắc tội với ngài?”. Trang Vương nói: “Chính trị nước Việt rất hỗn loạn, binh lực cũng yếu, nhân cơ hội này mà tiến đánh”. Đỗ Tử nói: “Thần lo lắng hậu quả của việc này, kiến thức của một người giống như đôi mắt của người đó, thường có thể trông thấy những thứ trong khoảng một trăm bước nhưng lại không trông thấy lông mi của chính mình. Quân đội của ngài bị đại bại ở nước Tần, nước Tấn, cắt nhường đất đến mấy trăm dặm, điều đó chứng tỏ binh lực yếu; Trang Kiều tạo phản trong nước, lại không thể mau chóng trấn áp, đây là biểu hiện của chính trị hỗn loạn. Đất nước chúng ta suy yếu hỗn loạn không thua kém nước Việt mà ngài còn muốn đi đánh nước Việt, tầm nhìn như thế thì chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người khác mà không nhìn thấy khuyết điểm của mình vậy”. Trang Vương bị thuyết phục nên không đi đánh nước Việt nữa. Những lời của Đỗ Tử như trút xuống Trang Vương một gáo nước lạnh, khiến ông tỉnh lại, tránh được cảnh sinh linh lầm than.