Trang chủ

Thái Căn Đàm

THÚ VUI TUYỆT DIỆU TRONG TRỜI ĐẤT, VĂN CHƯƠNG VỀ THIÊN ĐỊA

CÀN KHÔN DIỆU THÚ, THIÊN ĐỊA VĂN CHƯƠNG

Bị ràng buộc hay được giải thoát hoàn toàn tại tâm mình, nếu tâm hồn có thể cảm nhận, thấu hiểu được, thì quán rượu đồ tể cũng biến thành chốn bồng lai cực lạc. Nếu tâm hồn không thanh thoát thì cho dù cầm đàn dắt hạc tiêu khiển, trồng hoa nuôi cỏ an nhàn, sở thích tuy tao nhã nhưng những ma chướng ràng buộc vẫn còn tồn tại. Tục ngữ có câu: “Có thoát khỏi trần thế mới có thể vào được cảnh giới chân chính, tăng nhân không hiểu được đạo khác gì phàm nhân”.

ĐIỂN CỐ XỬ THẾ

Thời Tống, Tống Chân Tông nghe nói một nhà thơ là Dương Phác viết chữ rất đẹp, bèn phái người đi mời ông đến, muốn xem thử tài thơ văn của ông và giữ lại làm quan trong triều. Khi đến, Dương Phác nói từ trước đến nay mình không làm thơ. Chân Tông hỏi ông: “Lần này ông đến triều đình, có người làm thơ tặng ông sao?”. Dương Phác nói: “Chỉ có vợ của thần làm một bài thơ tặng cho thần”. Chân Tông nghĩ, ngay cả vợ ông ấy cũng biết làm thơ, ông ấy nói ông ấy không biết làm thơ nhất định là cố ý khiêm tốn trước mặt mình, nên nhà vua càng hứng thú hỏi: “Vậy hãy đọc thơ mà vợ ông tặng ông cho ta nghe”. Thế là Dương Phác đọc: “Canh hưu lạc phách đam bôi tửu, thư mạc xương cuồng ải vịnh thi. Kim nhật tróc tương cung lý khứ, giả hồi đoạn tống lão đầu bì” (Càng lạc hồn trong ly rượu nồng, lại càng mê đắm thú ngâm thơ. Hôm nay bị quan đòi vào cung, lần này đoạn tuyệt với lão già). Chân Tông nghe xong cười lớn đành phải để cho Dương Phác quay về. Cái gọi là “ẩn giả” ngày xưa, đại thể có thể phân làm hai loại: một là “ẩn giả” vì danh, mua danh cầu lợi một cách khôn khéo; một loại nữa là ẩn cư trong vùng rừng núi, đến cuối đời vẫn không làm quan. Dương Phác thuộc loại người thứ hai. Dương Phác đâu phải là không biết làm thơ, có điều là cố ý giả mượn tiếng là vợ làm thơ mà ứng khẩu đọc bài thơ này để chống chế trước sự cưỡng ép của Chân Tông hoàng đế mà thôi. Dương Phác có thể gọi là “Chân ẩn”.

Bình luận