TÂM CÔNG BẤT MUỘI, NGOẠI TẶC VÔ TUNG
Tai nghe những lời đường mật, mắt thấy những điều đẹp đẽ, những sự vật hấp dẫn của thế giới bên ngoài đều là những tên giặc, tay sai từ bên ngoài; tình cảm và những ham muốn trong lòng đều là những tên giặc ẩn trốn trong thâm tâm con người. Chỉ cần tâm hồn giữ được sự chính trực tỉnh táo, không để bị cám dỗ, giữ được nội tâm thuần khiết trong sạch thì những cảm nhận và tâm lý khiến con người dễ bị cám dỗ mê hoặc đó đều có thể biến thành những trợ thủ tốt, giúp bản thân bồi dưỡng phẩm chất đạo đức chính trực.
ĐIỂN CỐ XỬ THẾ
Danh thần thời Nam Tống - Văn Thiên Tường là trạng nguyên cuối đời Nam Tống, xuất thân trong gia đình có chức quyền, gia cảnh sung túc. Năm 1275, quân Nguyên tổng tiến công Nam Tống, phòng tuyến Trường Giang của Nam Tống hoàn toàn sụp đổ, triều đình hạ chiếu chỉ động viên khắp đất nước tổ chức binh mã chống quân Nguyên. Văn Thiên Tường lập tức quyên góp tài sản của gia đình sung vào chi phí quân đội, chiêu mộ các hào kiệt ở địa phương, tổ chức thành lập một đội nghĩa quân hơn vạn người, hành quân áp sát Lâm An. Vì ông đến doanh trại quân Nguyên đàm phán nên bị quân Nguyên giam giữ, bọn tay sai cưỡng ép Văn Thiên Tường phải quỳ xuống trước mặt nguyên soái quân Nguyên. Văn Thiên Tường chống lại, cố sức vùng vẫy và ngồi xuống đất, trước sau vẫn không chịu khuất phục và nói rằng: “Ta nguyện vì chính nghĩa mà chết, có bắt giam ta cũng không sợ!”. Từ đó chúng giam ông trong nhà ngục suốt ba năm. Trong ngục, ông nhận được thư của con gái Liễu Nương, biết được vợ và hai con gái đều làm nô tì trong cung, sống như một kẻ phạm tội. Văn Thiên Tường hiểu rõ sâu xa ý thư của con gái chính là ám thị của triều đình nhà Nguyên: chỉ cần đầu hàng, người nhà lập tức có thể đoàn tụ. Nhưng cho dù trong lòng đau như dao cắt, Văn Thiên Tường vẫn không muốn vì vợ con mà đánh mất khí tiết. Sau đó Văn Thiên Tường bị áp giải đến pháp trường xử trảm, ông hỏi vị quan xử trảm: “Phía nào là phương Nam?”. Có người chỉ hướng cho ông, Văn Thiên Tường hướng về phương Nam mà quỳ bái, rồi nói: “Việc của tôi đã kết thúc, trong lòng không thấy hổ thẹn!”. Nói rồi ông đưa cổ chịu chém, hy sinh một cách thanh thản.