Trang chủ

Thái Căn Đàm

NGƯỜI GIÀU NHIỀU MỐI LO, KẺ SANG NHIỀU MỐI NGUY HIỂM

PHÚ GIẢ ĐA ƯU, QUÝ GIẢ ĐA HIỂM

Kẻ có quá nhiều của cải, khi mất đi thì tổn thất cũng lớn, như vậy kẻ giàu có sống nhiều lo nghĩ hơn người nghèo; kẻ có địa vị càng leo càng cao, ngã xuống lại càng đau, như vậy kẻ cao sang không bình an bằng kẻ thấp hèn.

ĐIỂN CỐ XỬ THẾ

Mặc Tử tên là Địch, nhà tư tưởng cuối thời Xuân Thu đầu thời Chiến Quốc, người sáng lập trường phái Mặc gia. Ông xuất thân thấp hèn, từng làm thợ, tự gọi là “tiện nhân” (kẻ hèn), ông từng theo Nho học, sau bất mãn với chữ “lễ” vụn vặt nên chiêu sinh lập học phái mới. Mặc Tử cảm nhận sâu sắc cuộc sống bi thảm của nhân dân lao động, phản đối gay gắt hiện tượng “giàu làm nhục nghèo, sang ngạo hèn”, chủ trương “kiêm tương ái, giao tương lợi”, người có sức thì giúp sức, kẻ có của thì chia sẻ, người có đạo đức thì dạy người thiếu đạo đức, ông cho rằng như vậy có thể làm cho “kẻ đói được ăn, người rét được mặc, người mệt được nghỉ, kẻ làm loạn bị trị”. Xuất phát từ quan điểm kiêm ái, ông đề xuất chủ trương “phi công”, phản đối chiến tranh phi nghĩa lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu. Mặc Tử còn đề ra các chủ trương “tiết dụng” (tiêu dùng tiết kiệm), “tiết táng” (mai táng tiết kiệm), “phi nhạc” (không có âm nhạc)..., phản đối cuộc sống xa hoa, hoang dâm vô độ của kẻ thống trị. Ông và học trò của mình đều đi giày cỏ, ăn cơm nhạt uống trà thô, không theo đuổi cuộc sống xa xỉ. Tinh thần an bần lạc đạo, nhân nghĩa làm đầu của ông luôn là tấm gương cho người giàu, niềm an ủi cho người nghèo.

Bình luận