Trang chủ

Thái Căn Đàm

MỘT Ý NGHĨ THAM VÌ CÁ NHÂN, MUÔN KIẾP KHÔNG PHỤC HỒI LẠI ĐƯỢC

NHẤT NIỆM THAM TƯ, VẠN KIẾP BẤT PHỤC

Chỉ cần con người có chút ý nghĩ ham muốn tư lợi, sẽ từ chính trực biến thành yếu đuối nhu nhược, từ thông minh trở nên hồ đồ ngu xuẩn, từ nhân từ lương thiện trở thành tàn nhẫn, từ cao quí trong sạch trở nên ô uế vẩn đục, như thế làm tổn hại đến nhân cách cả một đời người. Vì vậy, người xưa xem việc không suy nghĩ ham muốn tư lợi làm phẩm chất cao quí để tu thân dưỡng tính, cả đời sống cách xa khỏi những ham muốn trần thế.

ĐIỂN CỐ XỬ THẾ

Tống - Nguyên giao kết, thế sự hỗn loạn. Một hôm học giả Hứa Hằng đi ra ngoài, trời khá nóng miệng lại khát khô, đúng lúc bên đường có cây lê, người đi đường đều hái trái lê, duy chỉ có Hứa Hằng là không làm vậy. Có người hỏi ông: “Sao ông không hái lê để giải khát?”. Ông trả lời: “Không phải là lê của mình sao lại có thể hái bừa bãi được?”. Người đó cười ông cổ hủ: “Thói đời loạn như thế, cần gì quan tâm là lê của ai!”. Hứa Hằng nghiêm nghị nói: “Lê tuy vô chủ nhưng lòng tôi có chủ”. “Lòng tôi có chủ” và “lòng ham muốn tư lợi” là hai thái độ hoàn toàn tương phản nhau, kết quả của chúng một là “khiết khí trường tồn” còn một là “vạn kiếp bất phục”.

Đời người, có kẻ kiên trì với chủ kiến của mình mà giữ gìn phẩm hạnh, gạt bỏ hết những phiền nhiễu và cám dỗ xung quanh, không lay động bởi những vật chất bên ngoài, không khổ sở vì danh lợi; lại có người hoặc đuổi theo danh lợi, hoặc ăn hối lộ làm điều phạm pháp, hoặc cuối đời không thể giữ được, cuối cùng lâm vào cảnh ngục tù, hối hận cả đời.

Bình luận