ẤU BẤT ĐÀO CHÚ, TRƯỞNG BẤT THÀNH KHÍ
Trẻ con là hình mẫu ban đầu của người lớn, tú tài là hình mẫu ban đầu của quan lại, nhưng nếu luyện tập chưa đạt đến trình độ tài giỏi, rèn đúc mài giũa chưa đủ tinh thông, sau này khi bước vào xã hội hay hoạn lộ sẽ khó trở thành nhân tài hữu dụng.
ĐIỂN CỐ XỬ THẾ
Mạnh Tử - nhà tư tưởng thời Chiến Quốc lúc nhỏ được mẹ đưa đến trường học. Ban đầu Mạnh Tử rất chăm chỉ học hành, sau đó dần dần cậu trở nên lười biếng ham chơi. Một hôm cậu trốn học bỏ về nhà. Đang dệt vải trong phòng, vừa trông thấy cậu trốn học quay về, Mạnh mẫu liền dùng kéo cắt đứt nửa tấm vải đang dệt trên khung. Mạnh Tử sợ hãi vội quỳ xuống hỏi mẹ sao lại cắt đứt tơ dệt như vậy. Mạnh mẫu trách mắng cậu, nói rằng: “Đạo lý của việc học và dệt vải cũng giống nhau, cần phải dệt từng sợi, không được đứt đoạn mới có thể kết nối trở thành tấm vải hữu dụng được; giả như giữa chừng dùng kéo cắt đứt nó, thì bao nhiêu công sức sẽ đổ sông đổ biển, trở thành một đống phế liệu. Học hành cũng phải chăm chỉ không ngừng nghỉ sau này mới thành tài được, nhưng bây giờ con lại lười biếng trốn học, không chịu khó học tập, tự mình sa vào chuyện ăn chơi, sao con có thể thành công trong sự nghiệp được?”.
Mạnh Tử nghe xong lời giáo huấn của mẹ thì cảm thấy vô cùng xấu hổ, cậu lập tức nhận lỗi với mẹ, từ đó phấn đấu học tập. Sau những tháng ngày nỗ lực học hành không ngơi nghỉ, cuối cùng ông đã thành công trên con đường học vấn lẫn đạo đức của mình.