BẤT TRỨ SẮC TƯỚNG, BẤT LƯU THANH ẢNH
Gió thổi qua rừng trúc lưa thưa tạo nên những âm thanh xào xạc, gió đi qua rồi rừng trúc lại quay về sự tĩnh lặng, không còn lưu lại chút âm thanh xào xạc nào nữa; chim nhạn bay ngang ao nước lạnh lẽo, mặt nước in hình con chim nhạn nhưng khi chim bay đi rồi, mặt nước lại vẫn phẳng lặng, không còn lưu lại chút gì hình ảnh chim nhạn nữa. Vì vậy, người quân tử khi làm việc gì thì thể hiện tâm tính vốn có của mình nhưng khi mọi việc qua đi tâm hồn lại bình thản trở lại.
ĐIỂN CỐ XỬ THẾ
Thời Tam Quốc, vua nước Thục là Lưu Bị dẫn đại quân đi thảo phạt Đông Ngô. Vua Đông Ngô là Tôn Quyền bổ nhiệm Lục Tốn làm đại đô đốc, dẫn năm vạn binh mã xông lên chống cự. Lục Tốn cho rằng quân Lưu Bị mới đến, khí thế đang hăng nên tránh giao đấu. Quân địch khiêu chiến không được, giằng co lâu ngày tự nhiên sẽ mất nhuệ khí, sau đó sẽ nắm bắt thời cơ chiến đấu. Nhưng các tướng lĩnh thuộc hạ không hiểu được ý đồ của ông lại cho rằng ông sợ địch mạnh, nhát gan không dám chiến đấu, nên họ đều căm phẫn và không hài lòng, họ ỷ vào binh lực hùng mạnh mà không muốn nghe theo mệnh lệnh. Lục Tốn cầm kiếm tuyên bố: “Tôi tuy là một thư sinh nhưng nhận nhiệm vụ của quân vương. Các vị phải nghe theo sự điều động của tôi là vì tôi có sở trường, có đủ nguyên do để chịu nhục chịu khổ. Những người chịu trách nhiệm giữ cửa ải không được làm bậy. Quân pháp vô tình, nhất thiết không được vi phạm!”. Lục Tốn nói năng thật nho nhã hiền hòa nhưng kiên quyết đồng thời cũng tỏ ra rất tức giận khiến các binh sĩ tướng lĩnh đều nể sợ, từ đó không ai dám làm trái nửa câu. Sau đó Lục Tốn đã dùng kế hỏa công mà đánh bại quân Thục.