PHƯƠNG VIÊN XỬ THỂ, KHOAN NGHIÊM ĐÃI NHÂN
Khi cuộc sống thái bình thịnh trị, đối nhân xử thế cần phải liêm chính cương trực; khi cuộc sống rối ren bất an, đối nhân xử thế phải khéo léo uyển chuyển; sống trong thời loạn lạc sắp diệt vong, đối nhân xử thế phải đồng thời sử dụng cả hai phương pháp; đối đãi với người lương thiện cần khoan dung hơn, đối đãi với người hung dữ tàn ác cần nghiêm khắc hơn; đối đãi với những người bình thường cần tùy theo từng tình huống cụ thể, khoan dung và nghiêm khắc phải dùng đan xen nhau, ân huệ và uy vũ phải cùng thể hiện.
ĐIỂN CỐ XỬ THẾ
Ngũ đại thập quốc trong lịch sử Trung Quốc là thời kỳ các vương triều thay đổi liên tục, xuất hiện rất nhiều các hoàng đế đoản mệnh, các đại thần nắm quyền càng thay đổi nhiều. Nhưng trong chuỗi biến dịch không ngừng đó lại có một người vẫn luôn bình thản ung dung chưa từng bị lật đổ, ông chính là Phùng Đạo. Phùng Đạo trải qua bốn họ mười vị hoàng đế, có khả năng tiến thoái đúng lúc, quyền cao chức trọng. Phùng Đạo không phải là người tài giỏi lẫy lừng. Ông đã không đóng góp gì cho chính trị lại còn thiếu khí tiết của kẻ sĩ yêu quê hương, dân tộc. Khi đất nước lâm nguy ông lại tìm đến nước khác nương thân. Ông chưa bao giờ coi quốc gia đại nghiệp là trách nhiệm của mình, mà chỉ luôn theo đuổi quan cao lộc dày, giũ bỏ việc dân việc nước như những người đầy tớ dễ dàng thay đổi chủ.
Tương truyền rằng, khi chưa thành danh ông đã từng làm thơ để tỏ tâm ý, trong thơ ông cho rằng người may mắn tự thân có tướng trời, mặc dù trời đất thay đổi, chỉ cần lòng người không bấn loạn thì luôn có thể sống thanh thản, cả đời của Phùng Đạo quả thực là luôn tuân theo câu cách ngôn này để răn mình, người đời sau gọi ông là “bất đảo ông” (con lật đật) trong chính trị.