Trang chủ

Thái Căn Đàm

MỖI SUY NGHĨ HÀNH ĐỘNG ĐỀU PHẢI THẬT THẬN TRỌNG

NHẤT NIỆM NHẤT HÀNH, ĐÔ NGHI THẬN TRỌNG

Nếu có suy nghĩ xúc phạm đến điều cấm kỵ của thần linh, có câu nói làm tổn thương đến sự hòa hợp giữa con người với nhau, có việc làm gây nên hậu họa cho thế hệ con cháu sau này thì chúng ta nên ghi nhớ kỹ để nhắc nhở các thế hệ đời sau.

ĐIỂN CỐ XỬ THẾ

Giữa năm Quang Tự đời Thanh có nhà họ Quảng rất nghèo. Một hôm trong nhà không còn lương thực, Quảng Mỗ bèn cõng cái vại nước là thứ còn đáng giá duy nhất trong nhà ra đường rao bán, nhưng mãi vẫn chẳng ai đến hỏi. Lúc này may thay có một người muốn mua cái vại nước đi đến, đang lúc người mua trả tiền, có ông chủ của Lâm Chi Đường đi qua trông thấy dưới đáy vại nước có một vết rạn, bèn nói với người mua vại: “Đáy vại có một vết rạn”. Người mua nghe vậy thì không muốn mua nữa. Quảng Mỗ đành phải cõng vại nước quay về, trên đường đi lại làm rớt cái vại xuống vỡ nát. Anh nghĩ đến vợ con đang ở nhà đợi đem tiền về mua gạo, càng cảm thấy đau buồn khổ sở, thế là anh ngồi bên đường khóc lóc. Người qua đường thấy anh như vậy rất thông cảm, có mấy người cho anh một ít đồ có giá trị, ai ngờ đó lại là đồ ăn cắp, quan phủ cho rằng anh là tội phạm chuyên cướp giật bèn bắt anh để tra khảo. Quảng Mỗ chỉ nghĩ rằng những tai họa này đều do một câu nói của ông chủ Lâm Chi Đường mà ra, trong lòng vô cùng oán hận ông, thế là anh khai ông chủ Lâm Chi Đường chính là kẻ chủ mưu cướp giật. Quan phủ phán quyết và định ngày xử trảm hai người. Ông chủ Lâm chỉ vì một câu nói không đúng lúc, thiếu suy nghĩ mà làm hại người khác và hại cả chính mình: cuối cùng cả hai đều bị xử tội chết.

Bình luận