Trang chủ

Thái Căn Đàm

GIẤU SỰ KHÉO TRONG SỰ VỤNG, GIẤU CÁI TRONG TRONG CÁI ĐỤC

TÀNG XẢO VU CHU YẾT, NGỤ THANH VU TRỌC

Người thông minh thường không chứng tỏ tài năng, có thể giả như ngờ nghệch; dù thừa khả năng cũng không nên vội thể hiện mình, nên khiêm tốn tìm cách ẩn mình; ý chí cao cũng không nên tự cho mình thanh cao, nên hiền hòa; khi có cơ hội thể hiện năng lực cũng không nên vội vã thăng tiến, nên lui một bước để tiến xa hơn, đó mới là cách xử thế khôn khéo, biết sống yên phận, bình chân như vại thật sự.

ĐIỂN CỐ XỬ THẾ

Đời Thanh, nhà đại danh họa Trịnh Bản Kiều đã từng viết “Nan đắc hồ đồ” (biết cách hồ đồ là quý), không phải ông đề xướng việc mọi người nên làm một người mù mờ, ngây ngô, khờ dại, mà là dạy mọi người nên biết che giấu sự khôn ngoan khéo léo của mình, sống thanh sạch trong vẩn đục. Ông rất thông minh sáng suốt. Chuyện rằng: Người ở quê chỉ tặng ông một bát thịt chó mà đã có được bức tranh của ông; nhưng các quan lớn quyền cao chức trọng có ban tặng nghìn cân cũng chẳng thể có được bức tranh dù chỉ là một chữ viết của ông. Một ngày nọ, Trịnh Bản Kiều đi thăm bạn, trên đường đi bỗng ngửi thấy có mùi thịt chó thơm lừng, ông tìm đến nơi có mùi thơm thì thấy một người đang nấu thịt chó, ông bước đến bắt chuyện và nếm thử một miếng. Ăn xong ông cao hứng tặng cho người đó một bức tranh. Sau việc đó, Trịnh Bản Kiều mới hay người nấu thịt chó đó là một đại phú ông, vì muốn có được tranh của ông nên mới nghĩ ra “kế thịt chó”. Sau lần đó, ông hối hận mãi nên quyết tâm ăn chay. Trịnh Bản Kiều giữ được thanh danh lúc còn sống cũng như sau khi mất, được minh chứng bằng việc ăn chay này, qua đó chúng ta thấy rằng Trịnh Bản Kiều không phải là người thiếu suy nghĩ. Sống trên đời, hồ đồ trong việc nhỏ mà chẳng gây hại gì cho bản thân và người khác thì sao không vui vẻ mà làm.

Bình luận