Trang chủ

Thái Căn Đàm

LẼ THẬT GIẢ CHỈ TRONG MỘT SUY NGHĨ

CHÂN NGỤY CHI ĐẠO, CHỈ TẠI NHẤT NIỆM

Ai cũng có một tấm lòng đại từ bi, giữa kẻ ẩn sĩ và đồ tể đao phủ chẳng có gì khác nhau; nhân gian chỗ nào, lúc nào cũng có tình cảm chân thật, giữa nhà vàng nhà ngọc và nhà cỏ nhà tranh chẳng có gì khác nhau. Chỗ khác biệt chỉ là, lòng người thường bị dục niệm và tư tình che lấp, đến nỗi bỏ qua lòng từ bi và tình cảm chân thành, tuy có vẻ chỉ là khoảng cách gang tấc, nhưng thực tế đã xa cách vạn dặm.

ĐIỂN CỐ XỬ THẾ

Nhà văn Vương Tích thời Tùy Đường là người có tính cách khoáng đạt, không thích lễ tục, từng làm huyện thừa ở Lục Hợp. Khi tại chức, ông ham rượu không làm việc nên bị cách chức. Ông than thở: Khắp nơi thiên la địa võng, chi bằng về nhà tĩnh tâm. Sau đó ông về quê Hà Chử. Ông có 16 khoảnh ruộng, vài kẻ ăn người ở, cùng người nhà trồng lúa nấu rượu, chăn nuôi gia súc, hái thảo dược, sống tự cấp tự túc. Khi đó có vị ẩn sĩ tên là Vu Quang, không có vợ con, dựng một ngôi nhà ở phía bắc Hà Chử, đã sống hơn 30 năm. Ông tự lực cánh sinh, không dựa dẫm người nhà. Vương Tích thích sự chân thành của ông nên dọn qua ở chung. Vu Quang là một người câm, không thể nói chuyện, khi cùng đối ẩm, họ lặng lẽ nhìn nhau nhưng rất vui vẻ. Vương Tích nói với người ta: “Tôi cảm nhận được mọi suy nghĩ của Vu Quang, vậy thì ông ấy có nói chuyện được với tôi hay không nào có hề gì? Người đời thường bị dục vọng và tư tình che lấp, nên mới không cảm nhận được tấm chân tình của Vu Quang”.

Bình luận