Trang chủ

Thái Căn Đàm

TỤC KHÔNG BẰNG NHÃ, NHẠT CÒN HƠN ĐẬM

TỤC BẤT CẬP NHÃ, ĐẠM PHẢN THẮNG NỐNG

Trong giới đạt quan quý nhân, nếu xuất hiện một cao nhân tay cầm gậy gỗ ẩn cư trong núi thì có thể tăng thêm một sự cao nhã; trên đường ngư tiều qua lại, nếu có một người đạt quan hiển quý đang mặc triều phục thì lại tăng thêm rất nhiều không khí dung tục. Bởi vậy nói đậm không bằng nhạt, dung tục không sánh được với cao nhã.

ĐIỂN CỐ XỬ THẾ

Thời Đường có thư sinh tên là Đồng Ngọc đến kinh thành ứng thí. Khi đến trước cửa trường thi, anh kinh ngạc nhìn thấy quan giám thị có thái độ hống hách, ai đến ứng thí đều soát khắp người. Đồng Ngọc lấy làm lạ bèn khẽ hỏi một thí sinh bên cạnh, sĩ tử nói: “Sợ mang theo tài liệu quay cóp”. Đồng Ngọc nghe xong rất tức giận: “Coi thư sinh sĩ tử như phường ăn trộm vậy sao, thật đáng ghét”. Nói rồi quay mình phủi tay áo bỏ đi. Đồng Ngọc trở về thư quán, trải giấy mài mực, vung bút vẽ cành hoa mai kiên cường trước gió đông và đề một bài thơ: “Tả khuyên hữu khuyên khuyên bất liễu. Bất tri khuyên liễu hữu đa thiểu. Nhi kim khiêu xuất khuyên khuyên ngoại. Khủng bị khuyên khuyên khuyên đáo lão” (Vòng trái vòng phải nhốt không nổi. Không biết đã nhốt được bao nhiêu. Mà nay nhảy ra khỏi các vòng. E bị các vòng nhốt đến già). Các bạn thơ thấy ông bày tỏ tâm ý mình trong tranh đều khen ông không theo dòng đục, không chịu cúi đầu. Tác phẩm này của ông có sức truyền cảm mạnh mẽ đến người xem, khích lệ mọi người không trôi theo dòng đục, giữ lấy khí tiết cao thượng, vì thế bức tranh được truyền tụng khắp nơi.

Bình luận