CẢNH THẾ CỨU NHÂN, CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG
Quân tử đọc sách thánh hiền hiểu rõ lý lẽ đạo nghĩa, trong cảnh bần hàn, khi không thể cứu giúp người bằng tiền tài vật chất, nếu gặp người ngu muội hay bị mê hoặc thì chỉ cần cảnh tỉnh họ bằng một câu nói, gặp người có việc phải cứu nguy nên giải cứu họ bằng một lời nói, việc này đã là công đức vô cùng rồi.
ĐIỂN CỐ XỬ THẾ
Nhà đại tư tưởng thời Xuân Thu - Khổng Tử, đã từng đến nước Chu để học lễ tiết, ông gặp Lão Tử ở đây. Khổng Tử thỉnh giáo Lão Tử về lễ tiết nước Chu, Lão Tử lý giải từng vấn đề cho Khổng Tử rất tỉ mỉ cặn kẽ. Thỉnh giáo xong, khi Khổng Tử cáo biệt, Lão Tử tiễn ông và nói: “Nghe nói người giàu khi tiễn khách thường tặng quà, người nhân đức khi tiễn khách thường tặng lời nói. Ta không giàu có nên trộm dùng danh hiệu của người nhân đức là dùng lời nói để tiễn ông, câu nói thế này: Người thông minh xem xét kỹ lưỡng tỉ mỉ thường cận kề với cái chết, chính bởi vì người đó thích phê bình chỉ trích người khác. Người thông thái giỏi tranh luận, kiến thức rộng lớn thường gặp nguy hiểm cận kề, chính bởi vì người đó thích vạch trần tội ác của người khác. Làm con không nên chỉ nghĩ đến mình mà nên nghĩ đến cha mẹ, làm thần dân không thể chỉ chú ý đến riêng mình mà nên suy nghĩ cho quân vương”. Khổng Tử nghe xong cảm thấy câu nói rất có ích. Khi Khổng Tử còn đang hoang mang thì Lão Tử đã chỉ ra được con đường lầm lạc của ông, đây cũng chính là công đức tối cao.