BẤT LỘNG KỸ XẢO, DĨ CHUYẾT VI TIẾN
Văn chương coi trọng sự chất phác thực tế mới có thể tiến bộ, đạo nghĩa coi trọng sự chân thành tự nhiên mới có thể tu thành, chữ “chuyết” (vụng về) chứa đựng ý nghĩa bất tận. Giống như tiếng chó sủa trong vườn hoa đào, lại giống như tiếng gà kêu trong rừng dâu, thật là thuần phác và đầy dư vị. Còn bóng trăng soi dưới nước ao lạnh lẽo, con quạ trên cành cây khô, tuy đẹp đấy, nhưng lại đem đến cảnh sắc không khí suy bại cho con người.
ĐIỂN CỐ XỬ THẾ
Thời Chiến Quốc, đại phu nước Lương là Tống Tựu làm huyện lệnh ở vùng biên thùy giáp với nước Sở. Dân vùng biên hai nước Lương, Sở đều trồng dưa, người Lương trồng dưa nhờ giỏi chăm sóc, năng tưới nước nên dưa vừa to vừa ngọt; người Sở trồng dưa không biết chăm sóc, lại không chăm tưới nước nên dưa không ngon. Người Sở đố kỵ dưa của người Lương ngon đẹp, nên hay sang vườn dưa của người Lương hái trộm. Người Lương báo việc này lên Tống Tựu xin cho bắt người Sở trộm dưa. Tống Tựu khuyên người Lương không nên, bảo: “Lương và Sở là láng giềng, cần phải chân thành, yêu thương nhau”. Người Lương hàng ngày qua ruộng dưa của người Sở tưới nước giúp người Sở, dưa của người Sở vì thế cũng ngon dần lên. Vua Sở hay chuyện, rất cảm động, bèn lấy nghìn vàng đáp tạ và chủ động giao hảo với nước Lương. Từ đó hai nước Lương, Sở xây dựng mối quan hệ lân bang hữu nghị.