HẬU ĐÃI CỐ GIAO, LỄ NGỘ SUY HỦ
Gặp lại bạn cũ nên đối đãi bằng tình cảm như với những người bạn mới quen, chân thành nhiệt tình; giải quyết một số những việc cơ mật nhỏ nhặt, thái độ phải càng quang minh chính đại; đối đãi với người già yếu, lễ tiết phải càng cung kính chu đáo.
ĐIỂN CỐ XỬ THẾ
Thời Tam Quốc, những năm cuối thời Tào Ngụy, tập đoàn họ Tào và tập đoàn họ Tư Mã vì đoạt thiên hạ mà tranh giành cấu xé lẫn nhau, khiến cho quan trường cực kỳ rối ren. Nhiều người có tài không muốn vào chốn đó nên đã gửi gắm tình cảm vào sông núi, trốn tránh hiện thực, trong đó có bảy văn nhân nổi tiếng, họ là Nguyễn Tịch, Kê Khang, Sơn Đào, Hướng Tú, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Vương Nhung. Bảy người này thường du ngoạn trong rừng trúc, vừa uống rượu vừa làm thơ gảy đàn, thử tìm kiếm sự thanh tịnh trong loạn thế, lịch sử gọi bảy người này là “Trúc lâm thất hiền”. Triều đình thời đó bề ngoài là các đời hậu thế của Tào Tháo làm hoàng đế, thực chất là thừa tướng Tư Mã Chiêu nắm đại quyền chính trị, để mở rộng thế lực ông tranh giành sự ủng hộ của những nhân vật nổi tiếng trong xã hội, ông cho mời “Trúc lâm thất hiền” vào làm quan. Trước tiên ông mời Sơn Đào ra làm quan, Sơn Đào không thể cự tuyệt đành phải nhận lời. Sau đó Sơn Đào lại tiến cử Kê Khang vào triều làm quan. Do không hỏi ý kiến Kê Khang trước nên Kê Khang vô cùng tức giận bèn viết một lá thư cho Sơn Đào. Trong thư Kê Khang không những trách móc Sơn Đào mà còn phê bình kịch liệt tập đoàn Tư Mã thị thời đó. Sơn Đào biết Kê Khang là người thành thực chính trực, thanh cao ngay thẳng nên không để bụng chuyện này mà còn duy trì tình bạn với Kê Khang ngày càng thân thiết hơn.