Trang chủ

Thái Căn Đàm

THÚ VỊ ĐÍCH THỰC CỦA THI GIA, HUYỀN CƠ CỦA THIỀN GIÁO

THI GIA CHÂN THÚ, THIỀN GIÁO HUYỀN CƠ

Người không biết chữ mà lại đầy ý thơ là đã cảm nhận được sự thú vị đích thực của thơ; người một câu kệ không biết mà lại giàu thiền cơ thì có thể nói là đã lĩnh ngộ được sự ảo diệu của Thiền lý.

ĐIỂN CỐ XỬ THẾ

Lục Tổ Huệ Năng từ nhỏ nhà nghèo không được học hành nên không biết chữ, sống bằng nghề đốn củi. Năm 24 tuổi, ông được người ta chỉ cho đến núi Hoàng Mai học Phật pháp với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Hàng ngày ông phải giã gạo trong kho lúa và lặng lẽ tu hành. Một hôm, Hoằng Nhẫn bảo các đệ tử: “Ta muốn truyền lại thiền pháp cho một trong số các con, ai cũng được. Chỉ cần các con diễn tả sự giác ngộ của mình bằng lời kệ và chỉ ra được chân đế của thiền là ta chấp nhận”. Cao đồ của Hoằng Nhẫn là Thần Tú làm một bài kệ dán ở hành lang nơi Hoằng Nhẫn thường đi qua:

Thân thị bồ đề thụ, Tâm như minh kính đài.

Thời thời cần phất thức, Mạc sử nhạ trần ai”

(Thân như cây bồ đề, Tâm như đài gương sáng. Luôn luôn phải lau chùi, Chớ để dính bụi nhơ).

Bài kệ được dán lên, ai nấy đều trầm trồ. Nhưng Huệ Năng lại nói: “Bài kệ của Thần Tú tuy đã chân thực, nhưng chưa thực là hay”. Rồi ông đọc một bài kệ, nhờ người viết và dán bên cạnh bài kệ của Thần Tú:

Bồ đề bổn vô thụ, Minh kính diệc phi đài.

Bản lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai?

(Bồ đề vốn không cây, Gương sáng cũng chẳng đài. Xưa nay không một vật, Chỗ nào dính bụi nhơ?).

Mọi người đọc xong thảy đều sửng sốt, vì bài kệ này đã chỉ rõ tính tuyệt đối của thiền. Chính pháp của Hoằng Nhẫn cuối cùng được truyền cho Huệ Năng.

Bình luận