BẤT DĨ THẦN DỤNG, HÀ DĨ ĐẮC THÚ
Người bình thường chỉ đọc hiểu những cuốn sách được dùng chữ viết nên mà không biết cách đọc hiểu được những cuốn sách không có chữ viết của vũ trụ, chỉ biết đàn những loại đàn có dây lại không biết đàn loại đàn không dây của tự nhiên, cố chấp câu nệ những hình thể của sự vật thì không thể lãnh ngộ được những điều say mê hấp dẫn của nó, vậy sao có thể hiểu được điều thú vị thực sự của việc đàn và đọc sách?
ĐIỂN CỐ XỬ THẾ
Nhà thư pháp kiệt xuất đời Đường - Trương Húc, tự là Bá Cao người Ngô ở Tô Châu. Chuyện kể rằng, ông trông thấy tư thế dáng điệu bước đi của những người phu khuân vác tranh giành nhau chen lên trước, đồng thời nghe được những tiết tấu nhịp nhàng của âm nhạc nên ông đã lãnh ngộ được ý tứ dáng vẻ của hình thể chữ viết; khi thưởng thức những màn múa kiếm của nghệ nhân Công Tôn đại nương, kết hợp nghệ thuật cương nhu trong múa kiếm, ông lại hiểu được nét thần hồn trong thư pháp, vì vậy nghệ thuật thư pháp của ông vô cùng cao siêu kỳ diệu. Trương Húc rất thích uống rượu, mỗi lần uống say ông lại vừa kêu la vừa chạy cuồng lên, sau đó đặt bút xuống viết, đôi khi dùng đỉnh đầu nhúng vào mực mà viết, sau khi tỉnh rượu nhìn lại chữ viết của mình, ông cho rằng thật huyền diệu thần kỳ nhưng lại không thể viết ra nét chữ giống như vậy. Mọi người đặt cho ông một biệt hiệu là “Trương điên”. Nhà đại thi hào đời Đường là Đỗ Phủ trong “Ẩm trung bát tiên ca” có viết rằng: “Trương Húc tam bôi thảo thánh truyền, thoát mão lộ đỉnh Vương công tiền, huy hào lạc chỉ như vân yên” (Rượu ba chén, Trương Húc mới thảo thánh truyền, cởi mũ đầu trần trước Vương công, nét bút trên vẩy như mây khói).